Chúng tôi hiểu rằng bộ phim đã có lời hồi đáp, dù khán giả thích hoặc không
- 'Trạm cứu hộ trái tim' lên sóng được 4 tuần, khen nhiều mà gạch đá cũng không ít, bạn đón nhận phản ứng, lời khen của khán giả với tâm thế nào?
Khi cùng nhóm biên kịch xây dựng kịch bản Trạm cứu hộ cho trái tim, cũng như quá trình chuẩn bị cùng ê-kíp sản xuất, tôi đã biết đây là bộ phim 'nặng đô' và dự đoán sẽ có những phản ứng trái chiều. Bởi vì, chuyện phim có những nhân vật khá đặc biệt, thậm chí hơi dị biệt trong tính cách và số phận.
Khi phim phát sóng, khán giả thể hiện quan điểm rất trực tiếp, khiến chúng tôi hiểu rằng bộ phim đã có lời hồi đáp, dù họ thích hoặc không! Làm công việc này lâu, tôi thích quan sát phản ứng của khán giả. Dù khen chê, ghét bỏ hay hào hứng, kỳ thị hay quan tâm, tôi luôn thấy mỗi một dự án lại cho mình cơ hội hiểu thêm sự đa dạng của thị hiếu người xem, cũng như rút ra kinh nghiệm quý.
- Kịch bản 'Trạm cứu hộ trái tim' hấp dẫn, kịch tính từ những tập đầu và khiến người xem 'khó thở' vì liên tục nhồi drama. Nhiều người nhận xét phim bắt chước kịch bản Hàn Quốc khi xây dựng nhân vật quá cực đoan, khốn nạn tới tận cùng, thậm chí chỉ trích phim vô nhân tính, cổ xúy cho việc trả thù. Nhóm biên kịch nói sao trước những chỉ trích này?
Tôi lại thấy có lẽ nhận xét này mới là cực đoan. Tôi không cho rằng phim đề cập đến ngoại tình thì cổ súy ngoại tình, khai thác sự trả thù kích động trả thù. Đâu phải thế! Bức tranh bộ phim rộng, có nhiều tuyến chuyện, khai thác vấn đề khác nhau. Cách người ta tiếp cận bộ phim cũng phản ánh chính quan điểm và thế giới quan của họ. Họ quan tâm điều gì sẽ chỉ thấy điều ấy.
Trạm cứu hộ trái tim khai thác cách con người đối mặt và hành xử với bất hạnh. Để đi đến giai đoạn 'cứu hộ' thì trước đó, phải có vết thương, phải đau đớn đã... Và đã là vết thương, là bất hạnh đâu dễ chịu gì cho cả nhân vật, cho cả khán giả. Thậm chí, quá trình cứu hộ cũng thế, vẫn là đau đớn. Nhưng đi qua giai đoạn đó, thứ người ta có được, là vết thương liền sẹo, là bài học cuộc đời, là bản lĩnh bao dung với bản thân, là việc biết trân trọng hơn những quý giá quanh mình.
Ở khía cạnh khác, phim cũng là cuộc chiến của cái thiện và cái ác, dù đôi khi là một cái ác nhân danh tổn thương. Viết về cái ác, về nhân vật ác, chúng tôi cần làm “cho ra” để người ta tin. Khán giả phẫn nộ, công kích cái ác, thậm chí, công kích người làm phim, ở một mặt nào đó, chúng tôi nhìn ra, sự mong muốn công bằng và bảo vệ người yếu thế ở họ.
Hành trình của Ngân Hà trong phim là đấu tranh để tìm lại lẽ công bằng, cho bản thân và gia đình, tìm lại niềm tin yêu cuộc sống sau những đổ vỡ. Thế thì sao, mới một đoạn đường, lại có thể nói chúng tôi cổ súy việc này việc kia?
- Các diễn viên nói phim vẫn đang quay và thậm chí họ còn chưa biết kịch bản những tập cuối ra sao, nghĩa là 'Trạm cứu hộ trái tim' vừa làm vừa hoàn thiện kịch bản như rất nhiều bộ phim hot khác của VFC. Những phản ứng tiêu cực có làm ảnh hưởng tới tâm lý của nhóm biên kịch, thậm chí có tác động khiến các bạn phải "bẻ lái" để giảm nhẹ sự độc ác của nhân vật hòng làm dịu cơn bức xúc của người xem?
Là người làm nghề, chúng tôi cũng cần phải có bản lĩnh tin vào bản thân, vào thứ mình làm, con đường mình đi, chúng tôi hiểu câu chuyện đi đến đâu, truyền tải những thông điệp gì và kiên định với nó.
Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng biết, điều cần thiết và cực kỳ quan trọng của người sáng tác, là lắng nghe, chọn lọc, tiếp nhận vì đó cũng là cánh cửa mở ra cho chúng tôi cơ hội để có thể hoàn thiện tốt hơn tác phẩm của mình.
Hai điều này, vẻ như mâu thuẫn nhưng thực ra lại khá thống nhất ở ê-kíp chúng tôi. Bởi lẽ, chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu xây dựng một bộ phim tốt nhất trong điều kiện có thể.
- Có bình luận nào của khán giả khiến các bạn phải lưu tâm, thậm chí sốc trong thời gian phim lên sóng? Hay các bạn đã quá quen với những chuyện này và chọn cách bỏ qua mọi lời nhận xét để bảo toàn những nhân vật?
Thầy giáo tôi từng nói, trong cái sai vẫn có thể có một mầm mống của cái đúng và ngược lại. Thế nên, mọi khen chê hay gợi cho tôi sự suy nghĩ và nhu cầu lý giải về nó hơn là cảm xúc vui buồn.
Nhưng có điều đặc biệt ở dự án này, đó là khi phim phát sóng, tôi vô tình lại trở thành một trạm lắng nghe. Có nhiều người đã inbox kể cho tôi nghe về những 'vết thương', những vấn đề của họ và cả những loay hoay sau biến cố. Khi ấy, rất nhiều băn khoăn trong sáng tác của chúng tôi đã dần được buông xuống. Chúng tôi hy vọng hành trình 'cứu hộ' của Ngân Hà trong phim sẽ là sự chia sẻ, khích lệ với bất cứ ai đã từng vấp ngã ngoài kia, đang nỗ lực đứng dậy rồi bước tiếp.
Chúng tôi đã bước vào một thử thách không đơn giản…
- Phim có tới 5 biên kịch, vậy làm sao để thống nhất 5 phong cách cũng như đường dây xây dựng nhân vật để phim trở thành một tổng thể thống nhất mà không bị rối?
Đây là nhóm biên kịch đã cùng tôi remake dự án Thương ngày nắng về. Đó cũng là kịch bản đầu tiên các bạn ấy tham gia, đến Trạm cứu hộ trái tim là dự án thứ 2. Họ là biên kịch không chuyên và tôi nghĩ việc đông người sẽ phát huy trí tuệ tập thể. Khác biệt quan điểm trong sáng tạo là chuyện bình thường, chúng tôi buộc phải thuyết phục được nhau trước khi thuyết phục người khác.
Việc biến những khác biệt thành 'một thể thống nhất' là công việc của người biên tập. Tôi đưa ra đề bài, định hướng, điều chỉnh, sắp xếp về đường dây câu chuyện, thống nhất nhân vật để các bạn ấy biết rõ lộ trình mà chúng tôi sẽ đi.
- Những tập đầu lên sóng, có ý kiến 'Trạm cứu hộ trái tim' không có nhiều khác biệt với 'Hướng dương ngược nắng' vì chọn hai diễn viên cũ là NSND Thu Hà và Hồng Diễm, với nét diễn và tạo hình không mấy thay đổi. Họ cho rằng lý do là vì hai phim cùng biên kịch, đạo diễn và ê-kíp quá an toàn khi mời lại NSND Thu Hà, Hồng Diễm vào vai mẹ con. Bạn phản hồi ra sao về nhận xét này?
Tôi lại cho rằng đây mới là lựa chọn mạo hiểm vì chúng tôi lường trước được những phản ứng đó. Chúng tôi đã bước vào một thử thách không đơn giản trong công việc sáng tạo: sự quen thuộc. Nếu mọi thứ đều đã quen thuộc đến thế, điều gì của chúng tôi sẽ giữ chân khán giả đây? Thế nhưng, quan điểm luôn nhất quán của cả ê-kíp là lựa chọn diễn viên trên sự hợp vai.
- Với tư cách là biên kịch và cả khán giả xem phim, bạn thích và ghét nhân vật nào nhất và diễn viên nào khiến bạn ấn tượng?
Nhìn nhận thẳng thắn, Trạm cứu hộ trái tim có mô típ không mới. Thế nhưng điều tôi yêu thích là mỗi nhân vật của câu chuyện này đều có sự sắc nét, có những lớp sự kiện, cảm xúc riêng, đặc biệt, nhân vật luôn vận động và thay đổi. Để nói thích và ghét thì thật khó.
Nhưng nói về thử thách khi xây dựng nhân vật, thì Hà và Vũ là bài toán khó giải của chúng tôi. Viết về phản diện, màu sắc nhân vật thường rõ nét vì mục tiêu nhân vật rất rõ ràng. Nhưng để là những người tốt có phần yếu thế mà vẫn có một hành trình sinh động, gần gũi, lại truyền cảm hứng, là điều không đơn giản.
Diễn biến phim hiện tại mới đang ở giai đoạn 'mở bài'
- Nhóm biên kịch đã hoàn thành toàn bộ kịch bản chưa? Khán giả rất tò mò muốn biết những tập sau này sẽ còn nhiều tình huống gây sốc hơn nữa, gây tranh cãi hơn không? Các bạn chuẩn bị tâm thế để đón "bão" dư luận trong thời gian tới?
Chúng tôi đang trên hành trình về đích! Nếu ví câu chuyện của Trạm cứu hộ trái tim như một bài văn, thì diễn biến của phim hiện tại đang ở giai đoạn mở bài, khi nhân vật đối diện biến cố, bất hạnh. Phim sẽ có nhiều kịch tính, nhiều cú twist, khi kẻ ác đã lộ mặt còn người tốt mạnh mẽ hơn sau tan vỡ, cuộc chiến sẽ cân sức hơn, cũng nhiều cao trào hơn.
Còn về phản hồi khán giả, chúng tôi cũng sẽ bình tĩnh đi vào 'tâm bão' thôi. Vì ngay cả trong tâm bão, chúng tôi vẫn luôn biết rằng còn có cả 'mắt bão' nữa mà. Đó là vùng bình yên khi chúng tôi là ê-kíp đoàn kết, luôn được hỗ trợ, thúc đẩy để làm tốt nhất công việc của mình.
Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!